Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

Câu chuyện bát mì

Trong cuộc sống ngày nay, xin đừng quên rằng còn tồn tại lòng nhân ái. Đây là một câu chuyện có thật, chúng tôi gọi là "Câu chuyện bát mì". Chuyện xảy ra cách đây 50năm vào ngày 31/12, một ngày cuối năm tại quán mì Bắc Hải Đình, đường Trát Hoảng, Nhật Bản.


Đêm giao thừa, ăn mì sợi đón năm mới là phong tục tập quán của người Nhật, cho đến ngày đó công việc làm ăn của quán mì rất phát đạt. Ngày thường, đến chạng vạng tối trên đường phố hãy còn tấp nập ồn ào nhưng vào ngày này mọi người đều lo về nhà sớm hơn một chút để kịp đón năm mới. Vì vậy đường phố trong phút chốc đã trở nên vắng vẻ.

Ông chủ Bắc Hải Đình là một người thật thà chất phát, còn bà chủ là một người nhiệt tình, tiếp đãi khách như người thân. Đêm giao thừa, khi bà chủ định đóng cửa thì cánh cửa bị mở ra nhè nhẹ, một người phụ nữ trung niên dẫn theo hai bé trai bước vào. đứa nhỏ khoảng sáu tuổi, đứa lớn khoảng 10 tuổi. Hai đứa mặc đồ thể thao giống nhau, còn người phụ nữ mặc cái áo khoác ngoài lỗi thời.

- Xin mời ngồi!

Nghe bà chủ mời, người phụ nữ rụt rè nói:


- Có thể... cho tôi một… bát mì được không?


Phía sau người phụ nữ, hai đứa bé đang nhìn chăm chú.


- Đương nhiên… đương nhiên là được, mời ngồi vào đây.


Bà chủ dắt họ vào bàn số hai, sau đó quay vào bếp gọi to:


- Cho một bát mì.


Ba mẹ con ngồi ăn chung một bát mì trông rất ngon lành, họ vừa ăn vừa trò chuyện khe khẽ với nhau. “Ngon quá” - thằng anh nói.


- Mẹ, mẹ ăn thử đi - thằng em vừa nói vừa gắp mì đưa vào miệng mẹ.


Sau khi ăn xong, người phụ nữ trả một trăm năm mươi đồng. Ba mẹ con cùng khen: “Thật là ngon! Cám ơn!” rồi cúi chào và bước ra khỏi quán.


- Cám ơn các vị! Chúc năm mới vui vẻ - ông bà chủ cùng nói.


Công việc hàng ngày bận rộn, thế mà đã trôi qua một năm. Lại đến ngày 31/12, ngày chuẩn bị đón năm mới. Công việc của Bắc Hải Đình vẫn phát đạt. So với năm ngoái, năm nay có vẻ bận rộn hơn. Hơn mười giờ, bà chủ toan đóng cửa thì cánh cửa lại bị mở ra nhè nhẹ. Bước vào tiệm là một người phụ nữ dẫn theo hai đứa trẻ. Bà chủ nhìn thấy cái áo khoác lỗi thời liền nhớ lại vị khách hàng cuối cùng năm ngoái.


- Có thể… cho tôi một… bát mì được không?


- Đương nhiên… đương nhiên, mời ngồi!


Bà chủ lại đưa họ đến bàn số hai như năm ngoái, vừa nói vọng vào bếp:


- Cho một bát mì.


Ông chủ nghe xong liền nhanh tay cho thêm củi vào bếp trả lời:


- Vâng, một bát mì!


Bà chủ vào trong nói nhỏ với chồng:


- Này ông, mình nấu cho họ ba bát mì được không?


- Không được đâu, nếu mình làm thế chắc họ sẽ không vừa ý.


Ông chủ trả lời thế nhưng lại bỏ nhiều mì vào nồi nước lèo, ông ta cười cười nhìn vợ và thầm nghĩ: “Trông bà bề ngoài khô khan nhưng lòng dạ cũng không đến nỗi nào!”


Ông làm một tô mì to thơm phức đưa cho bà vợ bưng ra. Ba mẹ con ngồi quanh bát mì vừa ăn vừa thảo luận. Những lời nói của họ đều lọt vào tai hai vợ chồng ông chủ quán.


- Thơm quá!


- Năm nay vẫn được đến Bắc Hải Đình ăn mì thật là may mắn quá!


- Sang năm nếu được đến đây nữa thì tốt biết mấy!


Ăn xong, trả một trăm năm mươi đồng, ba mẹ con ra khỏi tiệm Bắc Hải Đình.


- Cám ơn các vị! Chúc năm mới vui vẻ!


Nhìn theo bóng dáng ba mẹ con, hai vợ chồng chủ quán thảo luận với nhau một lúc lâu.



Hai vợ chồng chủ quán lặng người lắng nghe ba mẹ con nói chuyện mà nước mắt lăn dài.
Đến ngày 31/12 lần thứ ba, công việc làm ăn của Bắc Hải Đình vẫn rất tốt, vợ chồng ông chủ quán bận rộn đến nỗi không có thời gian nói chuyện. Đến 9h30 tối, cả hai người đều cảm thấy trong lòng có một cảm giác gì đó khó tả. Đến 10h, nhân viên trong tiệm đều đã nhận bao lì xì và ra về. Ông chủ vội vã tháo các tấm bảng trên tường ghi giá tiền của năm nay là “200đ/bát mì” và thay vào đó giá của năm ngoái “150đ/bát mì”. Trên bàn số hai, ba mươi phút trước bà chủ đã đặt một tờ giấy “Đã đặt chỗ”. Đúng 10h30, ba mẹ con xuất hiện, hình như họ cố chờ khách ra về hết rồi mới đến. Đứa con trai lớn mặc bộ quần áo đồng phục cấp hai, đứa em mặc bộ quần áo của anh, nó hơi rộng một chút, cả hai đứa đêu đã lớn rất nhiều.


- Mời vào! Mời vào! - bà chủ nhiệt tình chào đón.


Nhìn thấy khuôn mặt tươi cười của bà chủ, người mẹ chậm rãi nói:


- Làm ơn nấu cho chúng tôi…hai bát mì được không?


- Được chứ, mời ngồi bên này!


Bà chủ lại đưa họ đến bàn số hai, nhanh tay cất tờ giấy “Đã đặt chỗ” đi, sau đó quay vào trong la to: "Hai bát mì”


- Vâng, hai bát mì. Có ngay.


Ông chủ vừa nói vừa bỏ ba phần mì vào nồi.


Ba mẹ con vừa ăn vừa trò chuyện, dáng vẻ rất phấn khởi. Đứng sau bếp, vợ chồng ông chủ cũng cảm nhận được sự vui mừng của ba mẹ con, trong lòng họ cũng cảm thấy vui lây.


- Tiểu Thuần và anh lớn này, hôm nay mẹ muốn cảm ơn các con!


- Cảm ơn chúng con? Tại sao ạ?


- Chuyện là thế này: vụ tai nạn xe hơi của bố các con đã làm cho tám người bị thương, công ty bảo hiểm chỉ bồi thường một phần, phần còn lại chúng ta phải chịu, vì vậy mấy năm nay mỗi tháng chúng ta đều phải nộp năm mươi ngàn đồng.


- Chuyện đó thì chúng con biết rồi - đứa con lớn trả lời.


Bà chủ đứng bên trong không dám động đậy để lắng nghe.


- Lẽ ra phải đến tháng ba năm sau chúng ta mới nộp hết nhưng năm nay mẹ đã nộp xong cả rồi!


- Hả, mẹ nói thật đấy chứ?


- Ừ, mẹ nói thật. Bởi vì anh lớn nhận trách nhiệm đi đưa báo, còn Tiểu Thuần giúp mẹ đi chợ nấu cơm làm mẹ có thể yên tâm làm việc, công ty đã phát cho mẹ một tháng lương đặc biệt, vì vậy số tiền chúng ta còn thiếu mẹ đã nộp hết rồi.


- Mẹ ơi! Anh ơi! Thật là tốt quá, nhưng sau này mẹ cứ để con tiếp tục nấu cơm nhé.


- Con cũng tiếp tục đi đưa báo. Tiểu Thuần chúng ta phải cố gắng lên!


- Mẹ cám ơn hai anh em con nhiều!


- Tiểu Thuần và con có một bí mật chưa nói cho mẹ biết. Đó là vào một ngày chủ nhật của tháng mười một, trường của Tiểu Thuần gửi thư mời phụ huynh đến dự một tiết học. Thầy giáo của Tiểu Thuần còn gửi một bức thư đặc biệt cho biết bài văn của Tiểu Thuần đã được chọn làm đại diện cho Bắc Hải đảo đi dự thi văn toàn quốc. Con nghe bạn của Tiểu Thuần nói mới biết nên hôm đó con đã thay mẹ đến dự.


- Có thật thế không? Sau đó ra sao?


- Thầy giáo ra đề bài: “Chí hướng và nguyện vọng của em là gì?” Tiểu Thuần đã lấy đề tài bát mì để viết và được đọc trước tập thể nữa chứ. Bài văn được viết như sau: “Ba bị tai nạn xe mất đi để lại nhiều gánh nặng. Để gánh vác trách nhiệm này, mẹ phải thức khuya dậy sớm để làm việc”. Đến cả việc hàng ngày con phải đi đưa báo, em cũng viết vào bài nữa. Lại còn: “Vào tối 31/12, ba mẹ con cùng ăn một bát mì rất ngon. Ba người chỉ gọi một tô mì, nhưng hai vợ chồng bác chủ tiệm vẫn cám ơn và còn chúc chúng tôi năm mới vui vẻ nữa. Lời chúc đó đã giúp chúng tôi có dũng khí để sống, khiến cho gánh nặng của ba để lại nhẹ nhàng hơn”. Vì vậy Tiểu Thuần viết rằng nguyện vọng của nó là sau này mở một tiệm mì, trở thành ông chủ tiệm mì lớn nhất ở Nhật Bản, cũng sẽ nói với khách hàng của mình những câu như: “Cố gắng lên! Chúc hạnh phúc! Cám ơn!”


Đứng sau bếp, hai vợ chồng chủ quán lặng người lắng nghe ba mẹ con nói chuyện mà nước mắt lăn dài.


- Bài văn đọc xong, thầy giáo nói: anh của Tiểu Thuần hôm nay thay mẹ đến dự, mời em lên phát biểu vài lời.


- Thật thế à? Thế lúc đó con nói sao?


- Bởi vì quá bất ngờ nên lúc đầu con không biết phải nói gì cả, con nói: “Cám ơn sự quan tâm và thương yêu của thầy cô đối với Tiểu Thuần. Hàng ngày em con phải đi chợ nấu cơm nên mỗi khi tham gian hoạt động đoàn thể gì đó nó đều phải vội vã về nhà, điều này gây không ít phiền toái cho mọi người. Vừa rồi khi em con đọc bài văn thì trong lòng con cảm thấy sự xấu hổ nhưng đó là sự xấu hổ chân chính. Mấy năm nay mẹ chỉ gọi một bát mì, đó là cả một sự dũng cảm. Anh em chúng con không bao giờ quên được… Anh em con tự hứa sẽ cố gắng hơn nữa, quan tâm chăm sóc mẹ nhiều hơn. Cuối cùng con nhờ các thầy cô quan tâm giúp đỡ cho em con.”


Chỉ cần bạn có một chút quan tâm dành cho người khác thì bạn có thể đem đến niềm hạnh phúc cho họ rồi.
Ba mẹ con nắm tay nhau, vỗ vai động viên nhau, vui vẻ cùng nhau ăn hết tô mì đón năm mới rồi trả 300 đồng, nói câu cám ơn vợ chồng chủ quán, cúi chào và ra về. Nhìn theo ba mẹ con, vợ chồng ông chủ quán nói với theo:


- Cám ơn! Chúc mừng năm mới!


Lại một năm nữa trôi qua.


Bắc Hải Đình vào lúc 9h tối, bàn số hai được đặt một tấm giấy “Đã đặt chỗ” nhưng ba mẹ con vẫn không thấy xuất hiện.


Năm thứ hai rồi thứ ba, bàn số hai vẫn không có người ngồi. Ba mẹ con vẫn không thấy trở lại. Việc làm ăn của Bắc Hải Đình vẫn như mọi năm, toàn bộ đồ đạc trong tiệm được thay đổi, bàn ghế được thay mới nhưng bàn số hai thì được giữ lại y như cũ.


“Việc này có ý nghĩa như thế nào?” Nhiều người khách cảm thấy ngạc nhiên khi nhìn thấy cảnh này nên đã hỏi. Ông bà chủ liền kể lại câu chuyện bát mì cho mọi người nghe. Cái bàn cũ kia được đặt ngay chính giữa, đó cũng là một sự hy vọng một ngày nào đó ba vị khách kia sẽ quay trở lại, cái bàn này sẽ dùng để tiếp đón họ. Bàn số hai “cũ” trở thành “cái bàn hạnh phúc”, mọi người đều muốn thử ngồi vào cái bàn này.


Rồi rất nhiều lần 31/12 đã đi qua.


Lại một ngày 31/12 đến. Các chủ tiệm lân cận Bắc Hải Đình sau khi đóng cửa đều dắt người nhà đến Bắc Hải Đình ăn mì. Họ vừa ăn vừa chờ tiếng chuông giao thừa vang lên. Sau đó, mọi người đi bái thần, đây là thói quen năm, sáu năm nay. Hơn 9h30 tối, trước tiên vợ chồng ông chủ tiệm cá đem đến một chậu cá còn sống. Tiếp đó, những người khác đem đến nào là rượu, thức ăn, chẳng mấy chốc đã có khoảng ba, bốn chục người. Mọi người rất vui vẻ. Ai cũng biết lai lịch của bàn số hai. Không ai nói ra nhưng thâm tâm họ đang mong chờ giây phút đón mừng năm mới. Người thì ăn mì, người thì uống rượu, người bận rộn chuẩn bị thức ăn… Mọi người vừa ăn, vừa trò chuyện, từ chuyện trên trời dưới đất đến chuyện nhà bên có thêm một chú nhóc nữa. Chuyện gì cũng tạo thành một chuỗi câu chuyện vui vẻ. Ở đây ai cũng coi nhau như người nhà.


Đến 10h30, cửa tiệm bỗng nhiên mở ra nhè nhẹ, mọi người trong tiệm liền im bặt và nhìn ra cửa. Hai thanh niên mặc veston, tay cầm áo khoác bước vào, mọi người trong quán thở phào và không khí ồn ào náo nhiệt trở lại. Bà chủ định ra nói lời xin lỗi khách vì quán đã hết chỗ thì đúng lúc đó một người phụ nữ ăn mặc hợp thời trang bước vào, đứng giữa hai thanh niên.


Mọi người trong tiệm dường như nín thở khi nghe người phụ nữ ấy nói chầm chậm:


- Làm ơn… làm ơn cho chúng tôi ba bát mì được không?


Chúng ta không nên nhỏ nhoi ích kỷ bởi tôi tin trong mỗi chúng ta đều ẩn chứa một tấm lòng nhân ái.
Gương mặt bà chủ chợt biến sắc. Đã mười mấy năm rồi, hình ảnh bà mẹ trẻ cùng hai đứa con trai chợt hiện về và bây giờ họ đang đứng trước mặt bà đây. Đứng sau bếp, ông chủ như mụ người đi, giơ tay chỉ vào ba người khách, lắp lắp nói:


- Các vị… các vị là…


Một trong hai thanh niên tiếp lời:


-Vâng! Vào ngày cuối năm của mười bốn năm trước đây, ba mẹ con cháu đã gọi một bát mì, nhận được sự khích lệ của bát mì đó, ba mẹ con cháu như có thêm nghị lức để sống. Sau đó, ba mẹ con cháu đã chuyển đến sống ở nhà ông bà ngoại ở Tư Hạ. Năm nay cháu thi đỗ vào trường y, hiện đang thực tập tại khoa nhi của bệnh viện Kinh Đô. Tháng tư năm sau cháu sẽ đến phục vụ tại bệnh viện tổng hợp của Trát Hoảng. Hôm nay, chúng cháu trước là đến chào hỏi bệnh viện, thuận đường ghé thăm mộ của ba chúng cháu. Còn em cháu mơ ước trở thành ông chủ tiệm mì lớn nhất Nhật Bản không thành, hiện đang là nhân viên của Ngân hàng Kinh Đô. Cuối cùng, ý định nung nấy từ bao lâu nay của chúng cháu là hôm nay, ba mẹ con cháu muốn đến chào hỏi hai bác và ăn mì ở Bắc Hải Đình này.


Ông bà chủ quán vừa nghe vừa gật đầu mà nước mắt ướt đẫm mặt. Ông chủ tiệm rau ngồi gần cửa ra vào đang ăn đầy miệng mì, vội vả nhả ra, đứng dậy nói:

- Này, ông bà chủ, sao lại thế này? Không phải là ông bà đã chuẩn bị cả mười năm nay để có ngày gặp mặt này đó sao ? Mau tiếp khách đi chứ. Mau lên!

Bà chủ như bừng tỉnh giấc, đập vào vai ông hàng rau, cười nói:

- Ồ phải… Xin mời! Xin mời! Nào bàn số hai cho ba bát mì.

Ông chủ vội vàng lau nước mắt trả lời:

- Có ngay. Ba bát mì.

-------

Thật ra cái mà ông bà chủ tiệm bỏ ra không có gì nhiều lắm, chỉ là vài vắt mì, vài câu nói chân thành mang tính khích lệ, động viên chúc mừng. Với xã hội năng động ngày nay, con người dường như có một chút gì đó lạnh lùng, nhẫn tâm. Nhưng từ câu chuyện này, tôi đi đến kết luận rằng: chúng ta không nên chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh xung quanh, chỉ cần bạn có một chút quan tâm dành cho người khác thì bạn có thể đem đến niềm hạnh phúc cho họ rồi. Chúng ta không nên nhỏ nhoi ích kỷ bởi tôi tin trong mỗi chúng ta đều ẩn chứa một tấm lòng nhân ái. Hãy mở kho tàng ấy ra và thắp sáng nó lên dù chỉ là một chút ánh sáng yếu ớt ,nhưng trong đêm đông giá rét thì nó có thể mang lại sự ấm áp cho mọi người.


Câu chuyện này xuất hiện làm xúc động không ít độc giả Nhật Bản. Có người nhận xét rằng: "Đọc xong câu chuyện này không ai không rơi nước mắt." Đây chỉ là lời nhận xét mang tính phóng đại một chút nhưng nó không phải là không thực tế. Quả thật, nhiều người đọc xong câu chuyện đã phải rơi lệ, chính sự quan tâm chân thành và lòng nhân hậu trong câu chuyện đã làm cho họ phải xúc động.

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Cho và nhận

Một hôm, một sinh viên trẻ có dịp đi dạo với giáo sư của mình. Vị giáo sư này vẫn thường được các sinh viên gọi thân mật bằng tên "người bạn của sinh viên" vì sự thân thiện và tốt bụng của ông đối với học sinh.

Trên đường đi, hai người bắt gặp một đôi giày cũ nằm giữa đường. Họ cho rằng đó là đôi giày của một nông dân nghèo làm việc ở một cánh đồng gần bên, có lẽ ông ta đang chuẩn bị kết thúc ngày làm việc của mình.

Anh sinh viên quay sang nói với vị giáo sư: "Chúng ta hãy thử trêu chọc người nông dân xem sao. Em sẽ giấu giày của ông ta rồi thầy và em cùng trốn vào sau những bụi cây kia để xem thái độ ông ta ra sao khi không tìm thấy đôi giày."

Vị giáo sư ngăn lại: "Này, anh bạn trẻ, chúng ta đừng bao giờ đem những người nghèo ra để trêu chọc mua vui cho bản thân. Nhưng em là một sinh viên khá giả, em có thể tìm cho mình một niềm vui lớn hơn nhiều nhờ vào người nông dân này đấy. Em hãy đặt một đồng tiền vào mỗi chiếc giày của ông ta và chờ xem phản ứng ông ta ra sao."

Người sinh viên làm như lời vị giáo sư chỉ dẫn, sau đó cả hai cùng trốn vào sau bụi cây gần đó.

Chẳng mấy chốc người nông dân đã xong việc và băng qua cánh đồng đến nơi đặt giày và áo khoác của mình. Người nông dân vừa mặc áo khoác vừa xỏ chân vào một chiếc giày thì cảm thấy có vật gì cứng cứng bên trong, ông ta cúi xuống xem đó là vật gì và tìm thấy một đồng tiền. Sự kinh ngạc bàng hoàng hiện rõ trên gương mặt ông. Ông ta chăm chú nhìn đồng tiền, lật hai mặt đồng tiền qua lại và ngắm nhìn thật kỹ. Rồi ông nhìn khắp xung quanh nhưng chẳng thấy ai. Lúc bấy giờ ông bỏ đồng tiền vào túi, và tiếp tục xỏ chân vào chiếc giày còn lại. Sự ngạc nhiên của ông dường như được nhân lên gấp bội, khi ông tìm thấy đồng tiền thứ hai bên trong chiếc giày. Với cảm xúc tràn ngập trong lòng, người nông dân quì xuống, ngước mặt lên trời và đọc to lời cảm tạ chân thành của mình. Ông bày tỏ sự cảm tạ đối với bàn tay vô hình nhưng hào phóng đã đem lại một món quà đúng lúc, cứu giúp gia đình ông khỏi cảnh túng quẫn, người vợ bệnh tật không ai chăm sóc và đàn con đang thiếu ăn.

Anh sinh viên lặng người đi vì xúc động, nước mắt giàn giụa. Vị giáo sư lên tiếng: "Bây giờ em có cảm thấy vui hơn lúc trước nếu như em đem ông ta ra làm trò đùa không?" Người thanh niên trả lời: "Giáo sư đã dạy cho em một bài học mà em sẽ không bao giờ quên. Đến bây giờ em mới hiểu được ý nghĩa thật sự của câu nói mà trước đây em không hiểu: "Cho đi là hạnh phúc hơn nhận về".

Chuyện vợ chồng

Chồng chị là một kỹ sư giỏi, chị yêu anh vì sự vững chãi, chín chắn của anh, chị yêu cái cảm giác ấm áp mà chị có mỗi khi chị tựa đầu vào vai anh. Và sau 3 năm tìm hiểu, anh chị đã đi đến hôn nhân.

Nhưng đến hôm nay, sau hai năm là vợ chồng, chị bỗng thấy mệt mỏi với những cảm giác mà chị phải trải qua khi chung sống với anh.Những lý do khiến chị yêu anh trước đây, bỗng biến thành những lý do tạo nên sự đổi thay trong chị.

Chị là một phụ nữ nhạy cảm, và rất dễ bị thương tổn trong tình yêu, chị luôn khao khát những khoảnh khắc lãng mạn, giống như là bé gái nhỏ thèm khát kẹo ngọt. Nhưng anh lại trái ngược với chị, anh không có sự nhạy cảm, và hoàn toàn không quan tâm đến những khoảnh khắc lãng mạn trong cuộc sống vợ chồng, điều này đã làm cho chị càng chán nản hơn.

Và chuyện gì đến phải đến, một hôm chị quyết định cho anh biết rằng chị muốn ly dị, rằng chị không thể chung sống với anh thêm một giờ phút nào nữa. Rất bất ngờ khi nghe chị yêu cầu như thế, anh chỉ biết hỏi

- Tại sao?

- Em cảm thấy mệt mỏi, không có lý do nào cho mọi thứ trên thế gian này! - chị trả lời.

Anh không nói gì thêm nữa, nhưng suốt đêm đó, anh không ngủ, và chìm sâu vào những ưu tư, khắc khoải với ánh sáng lập lòe của điếu thuốc gắn trên môi. Sự im lặng của anh càng làm cho cái cảm giác thất vọng trong chị tăng lên, đấy là một người đàn ông không thể biểu lộ gì ngay cả đến lúc gặp tình huống khó khăn như lúc này, còn gì nữa để mà chị hy vọng ở anh?Cuối cùng rồi anh cũng lên tiếng, anh hỏi chị :“Anh có thể làm gì để thay đổi ý định của em?”.

Ai đó đã nói đúng: “Rất khó khăn để thay đổi tính cánh của một con người”, và chị nghĩ rằng chị không thể nào thay đổi cách sống của anh. Nhìn sâu vào mắt anh, chị chậm rãi trả lời: “Đây chính là câu hỏi, nếu câu trả lời của anh có thể thuyết phục em, em sẽ thay đổi ý định ly dị. Nếu em nói, em muốn bông hoa ở phía bên kia vách núi, và cả hai chúng ta đều biết rằng khi anh cố hái bông hoa đó cho em thì anh sẽ chết, anh có vẫn cố làm cho em hài lòng chứ?”.

Anh đáp “Ngày mai anh sẽ trả lời câu hỏi cho em…”. Những hy vọng của chị hoàn toàn bị chìm xuống khi nghe câu trả lời của anh.

Sáng hôm sau, chị tỉnh giấc và nhận ra anh đã đi rồi. Chị nhìn thấy một mảnh giấy với dòng chữ ngoệch ngoạc của anh, được dằn dưới ly sữa, trên chiếc bàn ăn gần cửa…. và chị bắt đầu đọc.

“Em yêu, Anh sẽ không thể nào hái bông hoa đó cho em, nhưng hãy cho anh giải thích những lý do mà anh không thể”.

Ngay những dòng đầu đã làm tan nát trái tim chị, chị tiếp tục đọc.

“… Khi em sử dụng máy vi tính, anh luôn sắp xếp phần mềm cho em dễ sử dụng, và khi em kêu lên trước màn hình khi có sự cố, anh luôn chuẩn bị những ngón tay để có thể giúp em phục hồi lại những chương trình. Em thường bỏ quên chìa khóa cửa, nên anh luôn chuẩn bị đôi chân để sẵn sàng chạy về mở cửa cho em. Em rất thích đi du lịch, nhưng lại thường hay bị lạc đường trong những thành phố xa lạ, nên anh phải chuẩn bị đôi mắt của mình để chỉ đường về cho em. Em thường đau bụng trong mỗi lần gần đến tháng, nên anh luôn chuẩn bị lòng bàn tay mình để sẵn sàng xoa bụng cho em để em dịu cơn đau.Khi thấy em luôn thích ở nhà, anh lo rằng em sẽ có thể bị mắc bệnh tự kỷ, vì thế anh phải luôn pha trò và chuẩn bị những câu chuyện vui để em quên đi nỗi buồn chán. Khi em luôn chăm chú vào màn hình vi tính, anh sợ như vậy có hại cho đôi mắt của em, nên anh phải để dành đôi mắt của anh để khi chúng ta già, anh sẽ có thể giúp cắt móng tay, và nhổ những sợi tóc bạc cho em. Anh có thể nắm bàn tay em đi tản bộ trên bãi biển, để em thưởng thức cảnh mặt trời mọc và bãi cát xinh đẹp… và anh sẽ cho em biết rằng màu sắc của những bông hoa cũng rực rỡ như gương mặt tươi tắn của em… Vì vậy, em yêu, trừ phi em chắc chắn rằng có ai đó yêu em hơn anh đã yêu em… nên bây giờ anh không thể hái bông hoa đó cho em, và chết…/.”

Nước mắt của chị không ngừng rơi trên trang giấy, làm nhạt nhòa những dòng chữ của anh… Chị đọc tiếp:

“…Bây giờ, nếu em cảm thấy hài lòng thì hãy mở cửa ra, vì anh đang đứng đó với bánh mì và sữa tươi cho buổi sáng của em, những món ăn mà em thích…”.

Chị lao đến cửa và mở bung nó ra, trông thấy anh với gương mặt lo lắng, chị nắm chặt tay anh, cùng với ổ bánh mì và chai sữa, bây giờ chị biết chắc rằng không ai yêu chị như anh đã yêu chị, và chị quyết định quên đi bông hoa ở bên kia vách núi… đó là cuộc sống và tình yêu.

Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

Sức mạnh của ý chí

“Tôi luôn tin rằng tôi có thể đi lại bình thường, và đó là sự thật. Giờ đây tôi sẽ chạy, và chạy nhanh hơn bất kỳ người nào khác!”
Tại ngôi trường làng nhỏ bé của một vùng quê nghèo thuộc bang Kansas, Mỹ, có một cậu học trò bảy tuổi thường đi học sớm để đốt lò sưởi cho cả lớp.
Một sáng nọ, khi vừa bước đến cửa lớp, bọn trẻ nhìn thấy lửa cháy tràn lan khắp phòng học. Chúng hốt hoảng khi nhìn thấy người bạn tốt bụng của mình đang nằm bất tỉnh trên nền nhà. Mọi người nhanh chóng kéo cậu ra ngoài và đưa cậu đến trạm xá trong tình trạng thập tử nhất sinh: cậu bị phỏng gần hết phần thân dưới.
Từ trên giường bệnh, cậu bé lại ngất xỉu một lần nữa khi nghe bác sĩ nói với mẹ cậu rằng cậu đã hết phương cứu chữa, rằng cậu sẽ chết trong vài ngày tới vì ngọn lửa đã tàn phá gần như toàn bộ phần thân thể từ bụng xuống đến chân cậu.
Nhưng cậu trò nhỏ không muốn chết. Cậu quyết định phải sống bằng mọi giá. Và, trước sự kinh ngạc của các nhân viên y tế, cậu đã thực sự sống sót. Khi lưỡi hái tử thần đã đi qua, cậu lại nghe bác sĩ và mẹ cậu nói thầm gì đó với nhau. Bác sĩ bảo rằng thịt da cậu đã bị lửa nướng chín gần hết, rằng cái chết có lẽ là tốt hơn cho cậu vì cậu sẽ sống cuộc đời còn lại trên một đôi chân què quặt.
Một lần nữa cậu bé dũng cảm hạ quyết tâm, rằng cậu sẽ chẳng chịu làm một đứa trẻ tật nguyền, cậu phải đi, chạy, nhảy như các bạn của mình. Nhưng sự thật là cậu chẳng thể cử động được gì từ thắt lưng trở xuống, toàn bộ phần dưới cơ thể cậu chỉ là một sự bất động.
Cuối cùng cậu cũng được xuất viện. Mẹ cậu xoa bóp đôi chân nhỏ bé của cậu mỗi ngày nhưng cậu vẫn không hề có cảm giác gì, cậu hoàn toàn không điều khiển được phần dưới cơ thể mình. Nhưng, ý chí của cậu thì mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Một buổi sáng nọ, khi mẹ cậu đẩy cậu ra sân để hít thở khí trời và tắm nắng, cậu vùng dậy nẩy người ra khỏi chiếc xe lăn rơi đánh phịch xuống đất. Cậu bò, cậu trườn, cậu toài người vào đám cỏ, kéo lê đôi chân tật nguyền phía sau. Cậu nhắm thẳng hàng rào mà bươn tới, rồi bằng một nỗ lực bất ngờ, cậu với nắm lấy bờ rào, và đứng dậy.
Cứ thế, hết ngày này sang ngày khác, cậu ra vườn và men theo bờ rào tập đi. Chẳng mấy chốc, quanh nhà cậu là một con đường mòn nhẵn thín. Trong lòng cậu chỉ có một mong muốn duy nhất là phải sống trên chính đôi chân của mình.
Chính nhờ bàn tay dịu dàng của mẹ và ý chí kiên cường của chính bản thân, cậu đã có thể đứng lên, bước đi, và … chạy.
Năm mười hai tuổi, cậu đi học trở lại, cậu chạy bộ đến trường, rồi cậu chạy thi và đánh bại mọi vận động viên khác ở cùng lứa tuổi. Cậu chạy vì niềm vui được chạy nhảy và cuối cùng, khi trưởng thành, cậu chạy với tư cách là một vận động viên chuyên nghiệp giữa các sân vận động danh tiếng trên thế giới trong tiếng reo hò vang dậy của hàng triệu triệu người hâm mộ.
Đó là chân dung nhà vô địch Glenn Cunningham, “Người đàn ông thép của Kansas” (Kansas Ironman), “Cánh én Kansas” (Kansas Flyer), “Con ngựa sắt vùng Kansas” (Iron Horse of Kansas), và “Con tàu tốc hành Elkhart” (Elkhart Express), những biệt danh do báo chí và người hâm mộ đặt cho ông, người phá kỷ lục thế giới cự ly chạy 1 dặm với thành tích 4’06”08 vào năm 1934, khi ông chưa đến tuổi 25.
“Tôi luôn tin rằng tôi có thể đi lại bình thường, và đó là sự thật. Giờ đây tôi sẽ chạy, và chạy nhanh hơn bất kỳ người nào khác!”, Glenn phát biểu như thế sau khi lập kỷ lục thế giới.

Glenn Cunningham được vinh danh tại Quảng trường Madison là một trong những vận động viên điền kinh xuất sắc nhất của Mỹ thế kỷ 20.
Ông mất ngày 10/03/1988 tại Menifee, bang Arkansas, Hoa Kỳ, ở tuổi 80.

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

Lời nói muộn màng

Việt và Linh ngồi trên ghế đá công viên, trong một đêm ít sao......Cả hai không làm gì cả. ngoài việc ngước lên và ngắm những ngôi sao lẻ loi trên bầu trời, trong khi tất cả những người bạn của họ đang vui vẻ bên một nửa của họ, trong một ngày cuối tuần mát mẻ....

- Chán thật đấy - Linh nói. Ước em có một người bạn trai để chia sẻ những lúc buồn vui...
- Anh nghĩ chúng là là những kẻ duy nhất cô đơn trên thế giới này, chúng ta chẳng bao giờ hẹn hò cả, ngoài việc suốt ngày đi lang thang trong công viên ngắm sao....Việt đáp lại chán nản
Cả hai im lặng một lúc lâu
- Này! Em có một ý kiến, hãy chơi một trò chơi đi! -Linh nói
- Trò chơi gì cơ???
- Uhmm, thì cũng đơn giản thôi, anh sẽ là bạn trai của em trong 100 ngày, và em sẽ là bạn gái của anh trong 100 ngày...anh nghĩ sao??
- .....Được thôi....dù sao thì mấy tháng tới anh cũng không có kế hoạch gì cả -Việt trả lời
- Hì hì, nghe như có vẻ anh đang mong đợi một điều gì đó, vậy thì hôm nay sẽ là buổi hẹn đầu tiên của chúng ta...Thế anh muốn đi đâu nào??
- Em nghĩ sao về một bộ phim! Bạn anh nói là nó vừa đi xem một bộ phim rất hay với bạn gái nó, hay mình đi xem thử nhé, xem trình độ nghệ thuật của thằng này đến đâu...
- Anh còn chờ gì nữa, mình đi thôi, cũng sắp hết ngày rồi còn đâu

Linh và Việt đi xem phim....buổi hẹn hò đầu tiên không có gì đặc biệt. vì cả hai vẫn còn ngại....Tất nhiên, từ bạn thân nhảy sang người yêu chỉ sau 5 phút và vài câu nói bâng quơ.

Ngày thứ hai họ đi xem ca nhạc với nhau...Việt mua cho Linh một con gấu bông rất xinh......

Ngày thứ ba Linh rủ Việt đi mua sắm cùng với mấy người bạn, cả hai ăn chung một cây kem, và bạn của Linh không khỏi ngạc nhiên....mọi chuyện đến quá nhanh...lần đầu tiên họ ôm nhau

Ngày thứ sáu, cả hai leo lên một ngọn đồi và ngắm mặt trời lặn...Khi màn đêm buông xuống, ánh trăng bao trùm con đồi, Việt bảo Linh nằm ngắm sao, vì hôm nay trời rất nhiều sao....Một ngôi sao băng bay qua...Linh ước....

Ngày thứ 25, họ đi chơi trò chơi cảm giác mạnh, chẳng may trong lúc sợ hãi, Linh túm nhầm một ai đó và hét lên.....lúc phát hiện ra cả hai phá lên cười và xin lỗi ông bác "may mắn" nào đó..

Ngày thứ 67, khi vừa đi ăn xong, qua một ngôi nhà mà lần trước bạn của Linh nói có một bà thầy bói hay lắm...Linh rủ Việt vào xem thử...Bà ta nói với cả hai: "các cháu hãy giữ gìn và trân trọng những giây phút hạnh phúc các cháu đang có"....rồi bỗng nhiên có giọt nước mắt lăn trên má bà

Ngày thứ 84, cả hai đi biển....họ trao nhau nụ hôn đầu tiên, dưới ánh mặt trời nóng bỏng

Ngày thứ 99, Việt nói chỉ muốn có một ngày đơn giản....Việt đèo Linh đi loanh quanh, và vào công viên, ngồi trên cái ghế đá mà họ vẫn thuờng ngồi mỗi khi đi lang thang ngắm trăng sao....Lúc đó đã là hơn 12h đêm

1h23
- Em khát quá-Linh nói
- Em ngồi chờ ở đây nhé, anh đi mua cái gì uống..Em thích gì nào??
- Mua cho em một chai nước khoáng đi

1h45
Linh ngồi chờ Việt đã quá 20 phút, Việt đi vẫn chưa về.........Một ai đó chạy đến chỗ Linh:

- Này em, vừa rồi ở ngoài kia có một người bị ôtô đâm khi đi ngang qua đường, nếu anh không nhầm thì đó là bạn của em

Linh chạy đi theo anh chàng lạ, đến một chiếc xe cứu thương...Linh thấy Việt mặt đẫm máu, tay cầm một chai nước khoáng....Linh lên xe và đến bệnh viện với Việt.........Linh ngồi ngoài phòng cấp cứu hơn 5 tiếng đồng hồ

11h51 trưa
Ông bác sỹ đeo cặp kính trắng bước ra.
- Tôi xin lỗi, nhưng chúng tôi đã làm hết sức mình. Chúng tôi tìm được một lá thư trong túi áo của anh ấy.

Bác sỹ đưa bức thư cho Linh và dẫn cô vào thăm Việt, vì hơn ai hết, ông biết đây sẽ là lần cuối Linh có thể nhìn thấy Việt. Việt nhìn rất yếu nhưng khuôn mặt của anh ấy có một cái gì đó thanh thản....Linh bóc bức thư ra và đọc

Linh à, vậy là 100 ngày của chúng ta đã hết rồi nhỉ. Anh rất vui khi có em ở bên những ngày vừa qua, và những gì em làm đã mang lại hạnh phúc cho cuộc đời anh. Anh nhận ra rằng em là một cô gái rất dễ thương, cho dù anh đã nhắc bản thân anh rất nhiều lần là không được nghĩ đến gì khác ngoài một trò chơi. 100 ngày hạnh phúc cũng sắp qua, nhưng anh vẫn muốn nói với em một điều...anh muốn làm bạn trai của em mãi mãi, anh muốn em luôn ở bên anh. cho anh những ngày hạnh phúc. Linh, anh yêu em!!!

11h58
Việt à...- Linh bật khóc-....Anh biết em đã ước gì khi em nhìn thấy sao băng không..Em cầu cho em có thể ở bên anh mãi mãi, em biết 100 ngày đã trôi qua, nhưng...nhưng anh không thể bỏ em..Em yêu anh...hãy quay về với em đi...Em yêu anh...

Đồng hồ chỉ 12h chiều....tim của Việt ngừng đập....và đó là ngày thứ 100...!

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Tình yêu...

Một chàng trai và 1 cô gái đang chạy tốc độ 100km/h trên mô tô
Cô gái: chạy chậm lại,em sợ lắm
Chàng trai: Ko, anh thích thế
Cô gái: Chậm lại đi, nguy hiểm lắm
Chàng trai: Vậy hãy nói là em yêu anh đi
Cô gái: Được, em yêu anh. Chậm lại đi
Chàng trai: Hãy ôm chặt anh vào - Và cô gái nghe theo
Chàng trai: Em có thể bỏ cái mũ bảo hiểm của anh ra và đội lên đầu em được không, nó làm anh vướng quá, em không ôm chặt anh được...

Trong 1 tờ báo ngay hôm sau: Chiếc xe máy đã lao vào 1 tòa nhà do hỏng phanh, có 2 người trên đó nhưng chỉ 1 người sống sót.

Sự thật là khi đi được nửa quãng đường, chàng trai đã nhận ra là phanh hỏng khi đi với tốc độ cao,nhưng chàng trai không muốn để cô gái biết. Thay vào đó, chàng đã đề nghị cô gái nói lời yêu và ôm mình để được cảm nhận cái ôm đó lần cuối, sau đó chàng bảo cô gái đội cái mũ bảo hiểm để bảo toàn tính mạng cho cô.

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

Giá trị của 20$

Sau một ngày làm việc mệt mỏi và căng thẳng, người cha trở về rất muộn với bao lo toan bực bội và gánh nặng của những công việc chưa hoàn tất. Mở cửa đón ông là cậu con trai bé bỏng mới vừa tròn 5 tuổi cách đó một vài hôm
"Cha, con có thể hỏi cha một câu được không?"
"Tất nhiên rồi, con muốn hỏi gì vậy?" Người cha đáp lời.
"Một giờ làm việc của cha kiếm được bao nhiêu tiền?" cậu bé hỏi
"Đó không phải là việc của con, con còn nhỏ, không nên quan tâm đến những việc như vậy" người cha bắt đầu cảm thấy bực bội
"Nhưng con rất cần biết điều đó thưa cha" Cậu bé năn nỉ
"Nếu vậy mỗi giờ cha kiếm được 20$"
Cậu bé cúi đầu tỏ vẻ thất vọng và buồn bã, sau đó cậu ngẩng lên
"Cha có thể cho con xin 10$ được không?"
Đến lúc này người cha không thể kìm được cơn thịnh nộ đang dần dần bốc lên đầu, ông nổi giận và quát lớn
"Nếu lý do duy nhất con hỏi cha câu đó chỉ là để xin tiền và mua một thứ đồ chơi vớ vẩn nào đó, hoặc là bất kì một thứ vô bổ nào khác thì ngay bây giờ, cha yêu cầu con về phòng và suy nghĩ về hành động ích kỉ vừa rồi của mình"
"Cha phải đi làm vất vả cả ngày, cha không có thời gian để đáp ứng những đòi hỏi hết sức vớ vẩn và trẻ con đó của con" người cha cảm thấy vô cùng giận giữ vì hành động của cậu bé.
Trong khi đó, cậu con trai cúi đầu lặng lẽ về phòng của mình. Còn người cha thì buông mình xuống ghế và càng lúc càng cảm thây giận giữ "làm sao nó có thể hỏi mình câu hỏi đó chỉ vì một mục đích là để xin tiền nhỉ???"
Sau khoảng 1 tiếng đồng hồ, người cha bắt đầu bình tĩnh và suy nghĩ lại, ông chợt nghĩ "có lẽ mình hơi nóng chăng? tại sao mình không thử hỏi xem cu cậu muốn gì nhi? biết đâu thứ đồ chơi đó lại chẳng hữu ích gì cho cu cậu thì sao. Vả lại, từ trước tới nay chưa lần nào cu cậu lại xin mình nhiều tiền như vậy"
Ông bước vào phòng của cậu bé "Con trai, con đã ngủ chưa?"
"Con chưa ngủ, thưa cha" cậu bé lí nhí đáp lời
"Cha đang tự nghĩ, có lẽ ban nãy cha hơi nóng với con. Lẽ ra cha không nên trút bực dọc và mệt mỏi từ cơ quan lên đầu con như vậy. Đây, cha cho con 10$ như con đã xin"
Cậu bé reo lên sung sướng "Con cảm ơn cha". Sau đó cậu lôi từ dưới gối ra một gói nhỏ trong đó cất giữ một số đồng đô lẻ. Cậu lôi ra đếm từng tờ, từng tờ một.
Thấy con trai đã có tiền rồi mà vẫn còn hỏi xin thêm, ngươi cha lại bắt đầu cảm thấy giận giữ, ông hỏi như quát
"Con đã có tiền rồi sao còn hỏi cha làm gì vậy?"
Cậu bé lúc đó mới trả lời "Vì con chưa đủ. Nhưng bây giờ con đã có đủ rồi.
Đây là 20$, con có thể mua một giờ của cha được không? Ngày mai con
muốn cha về sớm ăn cơm tối với con và mẹ"

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

Khát vọng

Tôi có một người bạn tên Monty Robert, hiện là chủ nhân một trại nuôi ngựa ở San Ysidro. Anh đã cho phép tôi dùng nhà của anh để tổ chức những buổi gây quỹ nhằm tài trợ các dự án đầu tư có tính rủi ro cao do thanh niên thực hiện.
Một hôm, anh đến ngồi cạnh tôi và nói:
- Tôi muốn kể cho bạn biết tại sao tôi để bạn sử dụng nhà của tôi để làm nơi tổ chức gây quỹ. Chuyện xảy ra cách đây nhiều năm. Có một cậu bé sống cùng với cha của mình, một người cha phải sống như một kẻ du mục. Ông đi từ trang trại này đến trang trại khác để huấn luyện các chú ngựa chưa được thuần hóa. Kết quả là việc học hành của cậu bé không được ổn định lắm. Một hôm, thầy giáo bảo cậu bé về viết một bài luận văn với đề tài “Lớn lên em muốn làm nghề gì ?”.
Đêm đó cậu bé đã viết bảy trang giấy mô tả khát vọng ngày nào đó sẽ làm chủ một trại nuôi ngựa. Em diễn đạt ước mơ của mình thật chi tiết. Thậm chí em còn vẽ cả sơ đồ trại nuôi ngựa tương lai với diện tích khoảng 200 mẫu, trong đó em chỉ rõ chỗ nào xây nhà, chỗ nào đặt chuồng trại và chỗ nào làm đường chạy cho ngựa.
Viết xong, cậu bé đem bài nộp thầy giáo. Vài ngày sau cậu bé nhận lại bài làm của mình với điểm 1 to tướng và một dòng bút phê đỏ chói của thầy: “Đến gặp tôi sau giờ học”.
Thế là cuối giờ cậu bé đến gặp thầy và hỏi:
- Thưa thầy, tại sao em bị điểm 1 ?
- Em đã hoạch định một việc mà em không thể làm được. Ước mơ của em không có cơ sở thực tế. Em không có tiền lại xuất thân từ một gia đình không có chỗ ở ổn định. Nói chung, em không có một nguồn lực khả dĩ nào để thực hiện những dự tính của mình. Em có biết để làm chủ một trại nuôi ngựa thì cần phải có nhiều tiền không ? Bây giờ tôi cho em về làm lại bài văn. Nếu em sửa chữa cho nó thực tế hơn thì tôi sẽ cứu xét đến điểm số của em. Rõ chưa ?
Hôm đó cậu bé về nhà và nghĩ ngợi mãi. Cuối cùng cậu gặp cha để hỏi ý kiến.
- Con yêu, chính con phải quyết định vì ba nghĩ đây là ước mơ của con.
Nghe cha đáp, cậu bé liền nhoẻn miệng cười và sau đó đến gặp thầy giáo của mình:
- Thưa thầy, thầy có thể giữ điểm 1 của thầy, còn em xin được giữ ước mơ của mình.
Kể đến đây, Monty dừng lại và hỏi tôi:
- Bạn có biết bạn đang ngồi trong một trại ngựa rộng 200 mẫu của cậu bé trong câu chuyện mà tôi vừa kể không ? Cách đây hai năm, vị thầy giáo đó đã tình cờ dẫn 30 đứa học trò của mình đến đây để cắm trại. Thế là thầy trò tôi nhận ra nhau. Cầm tay tôi, thầy nói: “Monty này, khi anh còn học với tôi, tôi đã đánh cắp ước mơ của anh, và suốt bao nhiêu năm qua tôi cũng đã làm thế với bao đứa trẻ khác. Tôi rất ân hận về điều đó”. Nghe thầy nói thế, tôi vội đáp: “Không, thưa thầy, thầy không có lỗi gì cả, chẳng qua thầy chỉ muốn những gì tốt đẹp sẽ đến với học trò mình mà thôi. Còn em chỉ muốn theo đuổi tới cùng những khát vọng của đời mình”.

Ai coi One Piece cũng biết cái này là Luffy nói: "Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ!" :)

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

Mẹ lạnh lắm phải không

Vào một đêm Giáng sinh, một thiếu phụ mang thai lần bước đến nhà một người bạn nhờ giúp đỡ. Con đường ngắn dẫn đến nhà người bạn có một mương sâu với cây cầu bắc ngang. Người thiếu phụ trẻ bỗng trượt chân chúi về phía trước, cơn đau đẻ quặn lên trong chị. Chị hiểu rằng mình không thể đi xa hơn được nữa. Chị bò người phía bên dưới cầu.

Đơn độc giữa những chân cầu, chị đã sinh ra một bé trai. Không có gì ngoài những chiếc áo bông dày đang mặc, chị lần lượt gỡ bỏ áo quần và quấn quanh mình đứa con bé xíu, vòng từng vòng giống như một cái kén. Thế rồi tìm thấy được một miếng bao tải, chị trùm vào người và kiệt sức bên cạnh con.

Sáng hôm sau, một người phụ nữ lái xe đến gần chiếc cầu, chiếc xe bỗng chết máy. Bước ra khỏi xe và băng qua cầu, bà mẹ nghe một tiếng khóc yếu ớt bên dưới. Bà chui xuống cầu để tìm. Nơi đó bà thấy một đứa bé nhỏ xíu, đói lả nhưng vẫn còn ấm, còn người mẹ đã chết cóng.

Bà đem đưa bé về và nuôi dưỡng. Khi lớn lên, cậu bé thường hay đòi mẹ nuôi kể lại câu chuyện đã tìm thấy mình. Vào một ngày lễ Giáng sinh, đó là sinh nhật lần thứ 12, cậu bé nhờ mẹ nuôi đưa đến mộ người mẹ tội nghiệp. Khi đến nơi, cậu bé bảo mẹ nuôi đợi ở xa trong lúc cậu cầu nguyện. Cậu bé đứng cạnh ngôi mộ, cúi đầu và khóc. Thế rồi cậu bắt đầu cởi quần áo. Bà mẹ nuôi đứng nhìn sững sờ khi cậu bé lần lượt cởi bỏ tất cả và đặt lên mộ mẹ mình.

"Chắc là cậu sẽ không cởi bỏ tất cả - bà mẹ nuôi nghĩ - cậu sẽ lạnh cóng!" song cậu bé đã tháo bỏ tất cả và đứng run rẩy. Bà mẹ nuôi đi đến bên cạnh và bảo cậu bé mặc đồ trở lại. Bà nghe cậu bé gọi người mẹ mà cậu chưa bao giờ biết: "Mẹ đã lạnh hơn con lúc này, phải không mẹ?" Và cậu bé oà khóc.

Tình bạn

Hai người bạn đi trên con đường vắng vẻ,đến một đoạn họ có môt cuộc tranh luận khá gay gắt và một người đã không kiềm chế được giơ tay tát vào mặt bạn mình,người kia đau nhưng không nói một lời,anh viết lên cát : "Hôm nay người bạn thân nhất của tôi đã tát tôi "
Họ tiếp tục đi,đến một con sông họ dừng lại và tắm ở đây,anh bạn kia chẳng may bị vọp bẻ và sắp chết đuối,may mà được người bạn cứu,khi hết hoảng sợ,anh viết lên đá:"Hôm nay người bạn thân nhất đã cứu sống tôi".
Anh bạn kia ngạc nhiên hỏi:"Tại sao khi tôi đánh anh,anh viêt lên cát,còn bâ giờ anh lại viết lên đá?"
Mỉm cười,anh đáp lại:"Khi một người bạn làm chúng ta đau,chúng ta hãy viết điều đó lên cát,gío sẽ thổi chúng đi cùng sự tha thư...Và khi có điều gì to lớn xảy ra,chúng ta nên khắc sâu nó lên đá như khắc sâu vào ký ức của trái tim,nơi không có ngọn gió nào có thể xóa nhòa được...."
Hãy học cách viết trên đá và cát....